Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Những vấn đề trong thời kỳ đầu mới set up hồ thủy sinh – By Takashi Amano

Một số người gọi thời gian đầu mới set up là tuần đầu khủng khiếp, hay tháng đầu khủng khiếp. Thời kỳ đầu mới set up này là giai đọan khó khăn nhất , và cũng tốn thì giờ nhất để thiết lập và duy trì thủy cảnh. Chúng ta hãy phân tích những điều kiện, hòan cảnh của hồ thủy sinh trong thời kỳ này và cách chăm sóc nó.


Chất bẩn trong nước là các dưỡng chất

Giả dụ chúng ta vừa set up 1 hồ thực vật thủy sinh và sẽ chăm sóc nó lâu dài. Trong khi chúng ta sử dụng hòan tòan nước mới ngay từ đầu, thì sau khi set up, nước trong hồ vẫn bị xem là bẩn nhất trong đa số trường hợp. Nước “bẩn” ở đây nghĩa là nước quá thừa dinh dưỡng, nhưng không chứa các chất độc hại đối với hệ vi sinh trong hồ. Ta thử suy nghĩ xem các chất dinh dưỡng ấy từ đâu mà ra nhé. Trong hồ thủy sinh, thì phần dưới cùng là các vật liệu nền (đất nền). Đây không chỉ đơn giản là nơi mà bộ rễ của cây thủy sinh sẽ phát triển, mà là nơi chứa sẵn các chất dinh dưỡng để rễ cây hấp thụ. Đó là nơi cư trú của các vi sinh vật làm nhiệm vụ phân giải các dưỡng chất để cây thủy sinh có thể hấp thụ. Power Sand chứa các dưỡng chất ấy, và phóng thích chúng ra khi ta cho nước vào hồ lúc mới set up. Nhưng nhờ có lớp Aqua Soil phủ bên trên, phần lớn dinh dưỡng chứa trong Power Sand không tiếp tục thôi ra (phóng thích ra) nước. Các dưỡng chất bị hòa tan và phóng thích ra môi trường nước khi mới set up này phải được lọai bỏ bằng việc thay nước (nói theo kiểu thành viên cựu trào 5ti của SAC là phải thay nước quyết liệt!).

Những cái lá chết của cây thủy sinh cũng là nguồn phóng thích dinh dưỡng lớn trong hồ. Cây thủy sinh ta mới trồng vào hồ thường hay có lá cạn, những lá cạn này sẽ nhanh chóng chết đi khi bị trấn nước. Lá chết sẽ phân hủy và phóng thích một lượng lớn dưỡng chất vào nước (ammonia, nitrate, nitrite…). Đơn cử, trong hồ chỉ nuôi cá, nước được tuần hòan qua máy lọc, và cá chỉ được thả vào khi hệ vi sinh đã phát triển đầy đủ trong bộ lọc. Tuy nhiên, hệ vi sinh cần nhiều dưỡng chất để sinh sản, phát triển. Để giúp chúng phát triển nhanh hơn, người ta thường quẳng vào hồ mấy lọai cây thủy sinh có sức chịu đựng cao, hay được trồng và bán ở dạng cây cạn như Amazon Sword (ở VN ta hay gọi là cây lưỡi mèo, lưỡi bò gì đấy). Hệ vi sinh sẽ nhanh chóng phát triển nhờ nguồn dinh dưỡng cần thiết thôi ra từ lá cây, giúp môi trường nước mau ổn định. Lượng dinh dưỡng từ lá cây chết phân hủy ra đủ để chu trình này xảy ra. Tương tự như vậy, khi cây thủy sinh được trồng vào hồ thì chúng đã được cắt ra theo chiều dài nào đó, hoặc rễ của chúng đã bị tỉa bớt, khiến cho nhiều tế bào cây (tại các vết cắt) bị tổn thương. Dưỡng chất cũng thóat ra môi trường từ những vùng tổn thương này. Vì những nguyên nhân đấy, lượng dinh dưỡng thóat ra từ cây thủy sinh trong thời kỳ đầu mới set up cao không ngờ, khiến việc thay nước cấp tập trở nên cần thiết. Thay nước thường xuyên trong thời kỳ đầu mới set up là giải pháp đơn giản, dễ dàng nhất để lọai bỏ lượng dinh dưỡng thừa trong môi trường nước, giúp ta vượt qua được cái gọi là “Tuần đầu hay tháng đầu khủng khiếp”.

Sự phân giải và hấp thụ dinh dưỡng thừa

Nào chúng ta cùng xét xem điều gì xảy đến với các dưỡng chất sau thời gian đầu set up hồ thủy sinh. Trước tiên, các chất hữu cơ sẽ bị phân hủy trong hệ thống lọc. Thức ăn thừa (của cá), lá cây chết sẽ được vi sinh cư trú trong máy lọc chuyển hóa thành ammonia, sau đó thành nitrate, rồi nitritre. Khi cơ chế này họat động tốt, chất lượng nước sẽ được duy trì ổn định, mấy em cá sống khỏe. Chả có vấn đề gì phải lăn tăn !

Tuy nhiên, trong thời gian đầu mới set up, khi máy lọc chưa thể họat động hiệu quả, chưa kham nổi việc chuyển hóa các dưỡng chất được phóng thích vào môi trường nước. Khi đó, các dưỡng chất sẽ hiện diện trong nước dưới dạng ammonia độc hại và nitrite. Vì vậy, rất nguy hiểm nếu thả cá vào hồ trong thời điểm này. Chỉ nên thả cá vào hồ sau thời gian 1 tháng kể từ khi set up. Nên đo nồng độ ammonia và nitrite trong nước trước khi thả cá. Tôi gọi mấy thứ này là dưỡng chất vì chúng là các chất dinh dưỡng cho cây thủy sinh. Thật vậy, chúng được cây thủy sinh hấp thụ và chuyển hóa. Khi cây thủy sinh quang hợp, chúng tạo ra thân, rễ nhờ hấp thu chuyển hóa nitrogen, phosphorus, potassium và các nguyên tố vi lượng. Cây thủy sinh cũng có thể hấp thu các dưỡng chất qua lá, vì vậy những cây mọc khỏe sẽ hấp thụ nhiều hơn. Thực tế là, trong những hồ được trang bị ánh sáng mạnh và bổ sung đầy đủ CO2, dưỡng chất được cây thủy sinh hấp thụ mạnh và nước trở nên sạch hơn. Quy trình này là sự thanh lọc nước bởi cây thủy sinh.

Mặc dù vậy, số lượng cây thủy sinh khi mới set up rất nhỏ, khả năng thanh lọc cũng nhỏ cho đến khi có thêm nhiều chồi, ngọn mới và lượng quang hợp tăng. Vì vậy, một lượng lớn dưỡng chất tồn lưu trong môi trường nước. Lượng dinh dưỡng thừa này sẽ được rêu tảo hại hấp thụ và chúng sẽ bành trướng trong hồ.

Vì khả năng làm sạch nước của máy lọc và cây thủy sinh còn kém trong thời gian đầu mới set up, việc thay nước nhiều và thường xuyên để lọai bỏ dinh dưỡng thừa là rất cần thiết. Có thể bỏ thêm than họat tính vào hộp lọc để hấp thu bớt lượng dinh dưỡng thừa.

Nước bị đục – do Aqua Soil

Nước thường không được trong lắm, hay đục nhờ nhờ trong thời gian đầu mới set up. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này và biện pháp khắc phục cũng tùy theo từng nguyên nhân. Khi nước có màu trắng đục, nhiều vẩn bụi nhuyễn nổi trên mặt nước. Đó có thể là bụi từ Aqua Soil. Aqua Soil là đất tự nhiên được chế biến thành dạng hạt và xử lý bằng nhiệt (nung). Mặc dù nó không dễ dàng rã ra trong nước, những phân tử mịn bám trên những hạt Aqua Soil sẽ rời ra và trôi lơ lửng khi lần đầu ta cho nước vào hồ. Những hạt bụi mịn này sẽ không tiếp tục rã ra khỏi Aqua Soil một cách lâu dài. Nếu thấy nước bị đục thì cần thay lại nước mới hòan tòan. Hiện tượng nước đục sẽ biến mất chỉ sau vài lần thay nước. Việc dùng chế phẩm Clear Dash cũng giúp hạn chế một cách hiệu quả hiện tượng nước đục này.

Aqua Soil Amazonia là lọai rất thông dụng trong lọat sản phẩm vật liệu nền Aqua Soil nhờ vào khả năng nuôi trồng cây thủy sinh tốt của nó. Tuy vậy, nó có thể làm cho nước có màu vàng trong giai đọan đầu mới set up. Màu vàng này có lẽ do humic acid, một họat chất có trong nguyên liệu sản xuất Amazonia, đất đen (đất mùn). Humic acid kích thích sự tăng trưởng của cây thủy sinh, vì vậy việc trồng cây trở nên dễ dàng hơn với Aqua Soil. Một lượng lớn humic acid có thể thôi ra môi trường tùy theo điều kiện chất lượng của nước. Hiện tượng nước có màu trà dường như thường xảy ra khi nước kiềm (PH cao). Tuy nhiên, đấy là họat chất tự nhiên nên không ảnh hưởng gì cho cây, cá cả. Hiện tượng này sẽ biến mất sau vài lần thay nước định kỳ. Nếu cảm thấy khó chịu với nó, thì có thể lọai bỏ bằng cách thay nước thường xuyên với lượng lớn hơn, hoặc dùng than họat tính (bỏ vào hộp lọc) để khử màu.

Nước bị đục – các nguyên nhân khác

Bất kể hồ thủy sinh đã set up bao lâu, hiện tượng nước đục có thể trầm trọng hơn chỉ trong một thời gian ngắn dù cho thay nước bao nhiêu lần chăng nữa. Nước trở nên trắng đục như thể ai đó đổ sữa vào, bó tay luôn, đã vậy còn từ từ chuyển qua màu xanh lá. Hiện tượng này xẩy ra khi hệ vi sinh trong máy lọc không họat động hiệu quả. Các hợp chất hữu cơ không được máy lọc phân hủy, chuyển hóa hòan tòan và một lượng lớn của chúng vẫn tồn tại trong môi trường nước, thế là các loại khuẩn & tảo sống nhờ các chất này sẽ sinh sản theo cấp số nhân và làm nước đục. Chúng sinh sản quá nhanh khiến cho việc thay nước cũng không cứu vãn được, và nước cứ bị đục dai dẳng. Đôi khi hồ thủy sinh có thể hồi phục nếu tắt CO2 và được sục khí khi mở đèn, kết hợp với thay nước đều đặn trong 3 ngày hoặc hơn. Nếu gặp tình trạng nặng, có thể dùng máy diệt khuẩn bằng tia cực tím (UV). Phương pháp sẽ làm nước hết đục trong thời gian ngắn.

Cây thủy sinh cho thì khởi động

Nếu cây thủy sinh mọc dầy đặc và quang hợp tích cực, chất lượng nước được cải thiện nhờ vào khả năng thanh lọc của cây thủy sinh. Tuy nhiên, có một số lọai cây thủy sinh mọc chậm, hấp thu dinh dưỡng cũng chậm luôn. Nếu ta cần khả năng thanh lọc cao từ cây thủy sinh cho môi trường nước, nên sử dụng các lọai cây thân đốt (tục gọi là cây cắt cắm) cho bố cục thuỷ cảnh. Vì mấy lọai này mau thích nghi, phát triển với số lượng nhiều trong thời gian ngắn (nói chung là dễ trồng, lên nhanh), chúng sẽ hấp thu các dưỡng chất dư thừa trong giai đọan đầu mới set up. Chúng tôi gọi những lọai cây này là “cây thủy sinh cho thì khởi động” hay ngắn gọn là “cây khởi động” (starting plants).

Mặc dù việc chăm sóc, duy trì cây thân đốt cho đẹp trong bố cục thủy cảnh rất khó nhọc, chúng vẫn là những lọai cây khởi động tuyệt vời. Ta cũng có thể dùng các lọai thực vật thủy phiêu sinh (floating plants) như bèo nếu chúng không can thiệp và phá hỏng bố cục, vì chúng cũng hấp thu dinh dưỡng rất mạnh.

Những vấn đề khác

Ta thường nghe kể sau khi sắp xếp bố cục gỗ lũa, trồng cây xong xuôi, lúc châm nước vào cho đầy thì lũa bèn nổi hết lên mặt nước. Có vài lọai gỗ lũa không chìm khi chúng khô. Nếu lũa được ngâm trước thì không dễ gì bị nổi. Nếu vẫn bị nổi thì đành phải dằn đá thôi. Sau khỏang một tuần gì đó ta có thể lấy đá ra, lũa sẽ chìm vì đã ngậm nước.

Lá của cây Cryptocoryne có thể bị rữa ngay sau khi trồng vào hồ, nhưng bộ thân rễ (**izomes) của nó vẫn còn tốt và sẽ nẩy lá mới. Đây là một cơ chế sinh học giúp chúng thích nghi với sự thay đổi điều kiện môi trường như chất lượng nước và nguồn ánh sáng chẳng hạn. Xét theo khía cạnh này thì Cryptocoryne là loại cây khỏe, giỏi chống chịu với môi trường. Trừ phi lá của nó bị rữa ngay truớc khi ta chụp hình thủy cảnh để dự thi thì mới thành vấn đề, còn bị rữa lá trong thời gian đầu mới set up thì chả có vấn đề gì sất, rồi sẽ mọc lá mới thôi ! Tuy nhiên cần phải dùng ống nhựa hút những mảnh lá rữa ra vì chúng có thể làm “bẩn” nước.

Còn những vấn đề cá biệt khác nữa trong thời gian đầu set up hồ, chẳng hạn như tép có thể lừ đừ hoặc tèo luôn vì dư lượng thuốc trừ sâu mà người ta xịt lên lá cây Cryptocoryne và Anubias (có lẽ trồng cạn hoặc bán cạn) trước đó.

Tuy nhiên, nếu bạn chăm sóc hồ một cách phù hợp và hết sức cẩn thận trong thời kỳ đầu thì sau này mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Theo [Nature Aquarium Notes 07: Problems of the Initial Setup Period – By Takashi Amano]

Bài dịch của dtnguyen62 dành cho forum SAC. Tuy nhiên, các websites và forums khác cũng có thể sử dụng với mục đích phi lợi nhuận phục vụ cộng đồng thủy sinh Việt Nam trên Internet và phải ghi rõ nguồn.

2 nhận xét:

Unknown nói...

bai viet rat hay....hay qua...em doc khong bo xot tung loi viet. rat bo ich cho anh chi em trong thoi ky dau setup ho thuy sinh, trong giai doan nay ai ai cung se co rat nhieu cau hoi...xin cam on rat nhieu ve bai viet

Nặc danh nói...

Thanks! Bài viết rất hay.

Đăng nhận xét